Hiện nay trên thị trường đang quảng cáo chiếc thẻ “thần kỳ” có thể tiết kiệm được 30% tiền điện mỗi tháng với giá bán hơn 1 triệu đồng. Vậy công dụng của chúng có tiết kiệm điện như quảng cáo hay không?
Theo những người bán giới thiệu, chiếc thẻ này được làm từ vật liệu cao cấp và hiếm, áp dụng công nghệ Nano lượng tử tiên tiến nhất hiện nay. Nhờ làm từ vật liệu như vậy, nên chiếc thẻ tiết kiệm điện có thể tiết kiệm từ 30 – 40% tiền điện mỗi tháng.
Nguyên lý hoạt động của chiếc thẻ thần kỳ được mô tả như sau: Khi lắp chiếc thẻ vào hệ thống điện, sóng điện sẽ tác động vào thẻ làm kích hoạt các ion Nano. Các điện tích âm này kết hợp với vật liệu cấu tạo của thẻ sẽ khử sóng hài, chỉ cho phép dòng điện hoạt động chính đi vào thiết bị.
Nhờ vậy, những chiếc thẻ tiết kiệm điện có thể tiết kiệm đến 30% chi phí tiền điện mỗi tháng. Ngoài ra, người bán còn “thần kỳ hóa” chiếc thẻ này với các công dụng như giảm phát xạ có hại của từ trường điện đối với con người, giảm ảnh hưởng đến tim mạch và não của người sử dụng. Người bán cho biết, với giá bán 1,5 triệu đồng cho 1 chiếc thẻ thì đáng để mua vô cùng bởi những lợi ích to lớn của chiếc thẻ mang lại. Vậy sự thật như thế nào, chúng ta cùng tìm hiểu nhé?

Sự thật về những chiếc thẻ
Trao đổi với tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), qua quá trình kiểm chứng thực tế, những thiết bị tiết kiệm điện này không thể tiết kiệm điện 30 – 40% chi phí tiền điện. Chi phí tiền điện thực tế được tính từ tổng công suất tiêu thụ của khách hàng. Việc giảm tổn thất do sóng hài trong hệ thống điện hạ thế rất nhỏ, không ảnh hưởng đáng kể đến việc tiết kiệm điện.
Ngoài ra, các sản phẩm thẻ tiết kiệm điện được bán trên thị trường không được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương hoặc bất kỳ đơn vị chuyên ngành nào chứng nhận về hiệu quả.
Về mặt kỹ thuật chuyên môn, việc giảm tổn hao bằng biện pháp tăng hệ số công suất của thiết bị điện, tăng tiết diện dây dẫn để giảm hao phí đường dây. Nhưng việc giảm tổn thất này nhỏ, không thể lên đến 30% như những lời quảng cáo.
Việc tiết kiệm chi phí tiền điện còn phụ thuộc vào khách hàng. Theo quan điểm của Liêm, ngoài việc tiết kiệm điện về mặt kỹ thuật chuyên môn, thì khách hàng nên tắt các thiết bị điện không cần thiết, thay thế các bóng đèn thường hoặc sợi đốt bằng bóng đèn LED, thay thế các thiết bị sử dụng nhiều công suất bằng một thiết bị tương đương nhưng tiêu thụ ít công suất hơn. Nếu khách hàng làm tốt việc này thì hóa đơn tiền điện có thể giảm được một phần đáng kể.
Với những phân tích trên, có thể khẳng định chiêu trò chiếc thẻ tiết kiệm điện chỉ là lừa đảo khách hàng có hiểu biết hạn chế về điện. Thủ đoạn lừa đảo của kẻ xấu thường nhắm đến tâm lý muốn tiết kiệm tiền điện trong mùa nắng nóng của người sử dụng.