Hôm trước có một bạn gửi mail nhờ tôi thiết kế cho bạn mạch khởi động sao tam giác có chức năng Lock-out khi xảy ra hiện tượng quá nhiệt hoặc khi bấm nút dừng khẩn cấp, phải bấm nút giải trừ thì mạch điện mới hoạt động được.
Để thực hiện được mạch này bạn cần phải nắm vững mạch điện khởi động sao tam giác thì mời các bạn cùng đọc lại bài viết Khởi động sao tam giác sử dụng 1 Timer ONdelay trước khi tìm hiểu mạch bên dưới. Mạch điện dưới đây được lấy thiết kế từ mạch Khởi động sao tam giác sử dụng 1 Timer ONdelay và được thêm phần chức năng Lock-out đầu ra.
Nhắc lại một chút là tại sao cần phải sử dụng mạch khởi động sao tam giác và thông số động cơ thế nào để áp dụng phương pháp khởi động này?
Khởi động sao tam giác giúp giảm dòng khởi động của động cơ, hạn chế sụt áp, tối ưu hóa thiết bị bảo vệ động cơ, tăng tuổi thọ vận hành động cơ…
Điện áp dây của lưới điện Việt Nam là 380V, vì thế để động cơ sử dụng phương pháp khởi động sao tam giác thì điện áp chịu đựng mỗi cuộn dây tối thiểu phải 380V. Như vậy, động cơ phải có thông số điện áp tam giác/sao là: 380V/660V thì khi đó mới khởi động được sao tam giác.
Mạch điện
Mạch khởi động sao tam giác có chức năng lock-out đầu ra do chính tôi thiết kế, nếu các bạn có thắc mắc xin vui lòng gửi bình luận phản hồi lại, tôi sẽ giải đáp cho các bạn hoặc các bạn có thể gửi mail đến [email protected]

Nguyên lý hoạt động
Mạch này được dựa trên mạch Khởi động sao tam giác sử dụng 1 Timer ONdelay nên nguyên lý hoạt động giống nhau. Tôi sẽ trích dẫn nguyên bản nguyên lý hoạt động của bài viết trước:
“Cấp điện vào MCCB và MCB. Nhấn nút ON, điện sẽ đi qua RL là tiếp điểm thường mở RL đóng lại cấp điện cho cuộn K1. Tiếp điểm thường mở K1 đóng lại cấp điện cho cuộn K2. Lúc này động cơ đang khởi động chế độ sao.
Cùng lúc đó, điện cũng sẽ được cấp vào Timer. Timer sẽ đếm ngược thời gian để chuyển mạch từ cuộn hút K2 sang cuộn hút K3. Khi hết thời gian, tiếp điểm thường mở T1 đóng lại cấp điện cho cuộn hút K3. Tiếp điểm thường đóng K3 sẽ mở ra làm ngắt điện cuộn hút K2. Lúc này khởi động từ K2 ở trạng thái OFF. Khởi động từ K3 sẽ ở trạng thái ON. Khi đó cuộn hút RL2 có điện sẽ làm đóng tiếp điểm thường mở RL2 và mở tiếp điểm thường đóng RL2, làm Timer ở trạng thái OFF. Lúc này nguồn điện điều khiển phụ thuộc vào RL2. Động cơ sẽ vận hành ở chế độ tam giác.”
Về điểm khác biệt
Mạch này được thiết kế an toàn hơn so với mạch trước ở chỗ nó có thêm chức năng Lock-out đầu ra, có nghĩa là khi mạch điện bị sự cố quá tải hay trong quá trình làm việc có vấn đề và người vận hành nhấn vào nút SOS thì lập tức kích hoạt chức năng khóa mạch điều khiển. Để động cơ vận hành trở lại khi bạn nhấn nút ON thì các bạn phải hiểu rõ sự cố đã được loại trừ và bạn phải nhấn vào nút RESET.
Nếu có copy, xin vui lòng để lại nguồn: https://liemelec.com/1580/mach-khoi-dong-sao-tam-giac-co-chuc-nang-lock-out.html