Hôm trước tôi vừa trình bày mạch khởi động sao tam giác sử dụng 1 timer ondelay, nhưng việc lựa chọn MCCB, Contactor, relay nhiệt như thế nào cho hợp lý. Trong bài viết này các bạn sẽ được hiểu rõ hơn phương pháp chọn như thế nào?
Nếu các bạn chưa biết hoặc chưa nắm rõ về mạch khởi động sao tam giác thì mời bạn xem qua bài viết Khởi động sao – tam giác sử dụng 1 Timer ONdelay. Bài toán đặt ra là: Một động cơ không đồng bộ có điện áp D/Y là: 380/660V, công suất định mức 175kW, hệ số công suất 0.8. Lựa chọn thiết bị động lực cho mạch khởi động sao, tam giác? Trước khi vào vấn đề mời các bạn xem qua về mạch sao tam giác dùng 1 Timer ondelay.

Từ các dữ liệu trên ta tính được Idm = 333A. Đối với mạch sao tam giác, ta lựa chọn như sau:
MCCB đóng cắt: Dòng điện làm việc của MCCB I >= 333*1,3 = 433A. Tra cứu MCCB trên thị trường ta được dòng: MCCB Mitsubishi NF-H 3P series NF800-HEW 3P 450A có giá bán tham khảo từ 11,4 triệu đến 12 triệu (Cập nhật tháng 5 năm 2021).
Contactor: Dòng điện làm việc của Contactor K1: I1 >= (333/1,73)*1,3 >= 251A. Chọn contactor LS MC-265A, có dòng cắt định mức 265A, giá bán tham khảo từ 8,3 triệu đến 9,5 triệu (Cập nhật tháng 5 năm 2021).
Tương tự ta chọn Contactor K3 có thông số giống với Contactor K1. Lý do tại sao chọn như vậy thì dòng điện trong mạch tam giác chúng đi qua 2 contactor K1 và K3, khi đó dòng điện làm việc của contactor được tính: Icontactor = (1/√3)*Idm. Với Idm là dòng điện định mức của động cơ.
Với Contactor đấu sao K2, do điện áp tăng lên √3 lần nên Icontactor = (1/3)*Idm. Như vậy ta tính được I2 >= (333/3)*1,3 >= 144A. Chọn Contactor LS MC-150A với dòng điện làm việc là 150A, có giá tham khảo từ 3,0 triệu đến 4,0 triệu (Cập nhật tháng 5 năm 2021).
Chọn relay nhiệt ta chọn theo dòng điện định mức K1. Như vậy ta chọn được relay nhiệt LS MT-400, có giá tham khảo từ 2,6 triệu đến 3,0 triệu (Cập nhật tháng 5 năm 2021).
Thực tế nhận thấy rằng, khi động cơ hoạt động ở chế độ tam giác, dòng điện qua khởi K1 và khởi K3 được chia đôi. Do vậy, ta có thể chọn dòng làm việc của khởi K1 và K3 ở ngưỡng 200A. Tuy nhiên, việc này không được khuyến khích vì lâu ngày sẽ hư hỏng contactor nhanh hơn. Do đó, để thi công chất lượng cần phải chọn như trên.
a cho e hỏi chọn timer với role trung gian theo thông số nào ạ
Relay trung gian trong mạch khởi động sao tam giác chỉ có nhiệm vụ khép kín mạch nhị thứ. Chính vì vậy, chọn các relay trung gian thông thường 3A hoặc 5A là đủ.
Về lựa chọn Timer, bạn có thể lựa chọn loại timer có màn hình hiển thị như selec 600DT hoặc timer thường như selec 600ST. Bạn có thể tùy chỉnh thời gian khởi động cho động cơ trên timer một cách dễ dàng với nhiều mốc thời gian cho bạn lựa chọn.
Mạch của bạn đúng nhưng hơi rườm rà, chắc mạch này bạn tk để k ngâm timer.
Cảm ơn bạn đã phản hồi. Mạch này mình thiết kế để tắt timer khi nó hoàn thành xong nhiệm vụ. Nếu để timer ngậm điện sẽ rất nhanh hỏng timer.
Anh có thể giải thích kỹ hơn giúp em tại sao ở mạch tam giác dòng lại giảm căn 3 lần, mà mạch sao dòng lại giảm 1/3 lần Iđm được không anh? Em đang không hiểu lắm về phần Id, Ip khi các contactor hoạt động. Cảm ơn anh nhiều ạ.
Bạn xem lại cách mình đấu mạch nhé, K3 mình đấu vào trước K1. Nên lúc này, dòng điện sẽ đi qua hai hướng K1 và K3. Do đó áp dụng công thức tính sức chịu tải theo từng pha của contactor thì Ip = 1/sqrt3 Id. Đó là lý do tại sao chọn contactor K1 và K3 thì dòng điện sẽ nhỏ hơn dòng định mức của động cơ 1/sqrt3.
Khi động cơ ở chế độ khởi động sao thì dòng điện qua K2 mình đã chứng minh ở trên.
Ad cho hỏi nếu đề cho thêm hệ số mở máy ( Kmm) thì tính chọn dòng Contactor K1 >= (Idm/ căn 3) . 1,4 . Kmm phải không ạ?
Hệ số mở máy (MM) thường dao động trong khoảng 5 – 7 lần so với định mức.
Do đó để giảm dòng mở máy ta phải giảm U (Vì dòng điện mở máy được tính bằng dòng điện pha) nên khi ta đấu sao để khởi động một động cơ thì dòng MM là Up = 1/√3 Ud. Khi đó dòng điện dây cũng chính là dòng điện pha giảm đi 3 lần, dòng điện mở máy cũng giảm tương ứng. Thời gian mở máy rất ngắn nên nhiệt lượng tỏa ra không đáng kể để làm cháy tiếp điểm. Do đó nếu xét tính kỹ thuật thì bạn phải lựa chọn thiết bị động lực đóng cắt phải lớn hơn hoặc bằng dòng khởi động. Tuy nhiên xét về thực tế, do thời gian khởi động ngắn, nhiệt lượng tỏa ra không đủ làm đuôi nhiệt tác động và tính kinh tế nên không cần phải thêm hệ số mở máy vào.
anh cho em hỏi, ví dụ 2 động cơ có công suất 11kW/ 1 động cơ, bơm luân phiên, khởi động trực tiếp thì chọn MCCB, contactor như thế nào ạ? em cảm ơn anh!
Bạn muốn chọn CB cấp nguồn cho 2 động cơ hay cho từng động cơ riêng biệt
cho từng động cơ ạ
cho từng động cơ riêng biệt ạ
Bạn có nhãn động cơ không. Nếu có gửi qua mail cho mình nhé.
Anh có thể hướng dẫn cách chọn MCCB cho mạch điều khiển luôn được ko ạ
Mạch điều khiển công suất rất bé, chỉ cần những CB tép là đủ.
CB tép thì tùy từng mạch mà mình chọn cho phù hợp. Càng nhiều cuộn hút, timer… thì dòng qua CB càng lớn. Mình sẽ phải tính toán lại tổng dòng mà mạch nhị thứ dùng để lựa chọn CB cho phù hợp. Quan trọng là thời gian cắt ngắn mạch và cắt dòng ngắn mạch của CB để bảo vệ mạch nhị thứ. Như mạch trong bài viết này mình chỉ cần chọn CB 10A là đủ. Bạn có thể tham khảo MCB SCHNEIDER với mã A9F84210.
Anh cho e xem công thứ cụ thể tính i của
K1
K3
K2 luôn đc ko ạ
E cám ơn
Với khởi K1: Ta sẽ dễ dàng tính được Idm của động cơ. Từ Idm của động cơ sẽ suy ra được I của khởi. Ik = (Idm/√3)*k. Với k là hệ số an toàn. Lý do tại sao chọn như vậy bởi vì khi khởi động ở chế độ sao, dòng điện giảm đi √3 lần.
Với khởi K2: Ik = (Idm/3)*k
Khởi K3 thì công thức tính tương tự như khởi K1.
Vẽ mạch sai . giáo sư tự côi lại đi
Xin cho tôi biết mạch sai ở đâu?
anh cho em hỏi . Việc tính chọn contactor có cần tính hết các thông số như khả năng đóng cắt , tần số thao tác, tính ổn định điện , tính ổn định nhiệt không ạ
Khả năng đóng cắt theo hãng LS thì theo hãng cho độ bền 5 triệu lần đóng cắt, khả năng chịu dòng ngắn mạch 2,4kA trong 10 giây hoặc 3,5kA trong 1 giây, điện áp tiếp điểm động lực chịu đựng tối đa 1000V. Xét về tính kinh tế, thì với contactor của hãng LS so với các hãng khác sẽ có giá thành thấp hơn, đổi lại độ bền cơ học hơi kém hơn một vài hãng khác, nhưng với 5 triệu lần đóng cắt cũng khá ấn tượng. Khả năng chịu được dòng ngắn mạch là cốt lõi, nếu bạn chọn thiết bị chịu được dòng ngắn mạch cao hơn thì đồng nghĩa giá thành đắt hơn, với hãng LS thì khả năng chịu được dòng ngắn mạch so với giá tiền bỏ ra khá ổn, so với một vài hãng khác thì cũng thấp hơn nhưng không đáng kể lắm. Tính ổn định nhiệt ở đây mình không biết bạn muốn hỏi về vấn đề gì?
thêm phần nửa, điện sao có thể tăng thêm căn 3 lần được, đ/a lưới 380 cùng lắm đến 400-415v thôi chứ a, trường hợp đấu sao thì nếu đ/a đặt lên đ/c là 660 thì sẽ có dòng đm , nhưng vì lưới 380v nên dòng lúc này còn căn 3 lần so với dòng đm chứ ạ.
Gọi I(dy) là dòng điện dây mạch sao, I(d0) là dòng điện dây mạch tam giác. Tương tự cho U(dy) và U(d0).
I(py) là dòng điện pha mạch sao, I(p0) là dòng điện pha mạch tam giác. Tương tự cho U(py) và U(p0).
Lập tỷ số I(dy)/I(d0) = 1/sqrt3*(Ipy/Ip0) = 1/sqrt3*(Udy/sqrt3*Up0) = 1/3
Như vậy từ đó ta chọn được dòng làm việc của khởi động từ mạch sao bằng 1/3*Idm
NHƯ VÂY LẤY 333/3×1.3 chứ sao lại chị cho căn 3 rồi nhân 1.3
Công thức trên đó là chọn khởi K2 chứ không phải khởi K1. Khởi K1 còn vận hành ở chế độ tam giác nên phải chia căn 3 chứ không phải là 3.
Mời bạn xem video này của một anh đã đi đến tủ thực tế họ chọn thiết kế như thế nào nhé. Xem từ phút 5:30 để hiểu rõ hơn
Thực Tế Về Cách Chọn Khởi Động Từ Cho Động Cơ Chạy Sao – Tam Giác Máy Xát Trắng Gạo Lamico
cho e hỏi tại sao lại có hệ số 1.3 ? hệ số này từ tiêu chuẩn nào hay từ kinh nghiệm ạ?
Này dựa theo kinh nghiệm thôi bạn. Giá trị này trong khoảng 1.2 đến 1.5 lần giá trị định mức.