Cộng đồng khoa học phản đối khi Trung Quốc nói đập thủy điện giúp giảm khô hạn

Cộng đồng khoa học phản đối khi Trung Quốc nói đập thủy điện giúp giảm khô hạn

Nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa và Viện Tài nguyên nước Trung Quốc được công bố vào tháng 7, kết luận rằng: “Đập thủy điện của Trung Quốc không gây khô hạn cho hạ nguồn sông Mekong”.

Tờ thời báo Hoàn Cầu đã đưa tin về kết quả nghiên cứu vừa được công bố của các nhà khoa học Trung Quốc là các con đập do nước này xây dựng không gây khô hạn cho hạ nguồn và trái ngược với các nghiên cứu trước đây. Tờ báo này còn tự tin bác bỏ những nghiên cứu của các nhà khoa học ở các quốc gia khác cáo buộc rằng Trung Quốc gây hạn hán ở các nước và duy trì mực nước rất thấp trên dòng sông và ám chỉ nghiên cứu của Eyes on Earth. Eyes on Earth kết luận rằng các đập thủy điện của Trung Quốc đã giữ lại tất cả 47 tỷ m3 nước và làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu nước trong một năm khô hạn ở hạ lưu.

Nhưng theo ông Brian Eyler, giám đốc phụ trách chương trình Đông Nam Á của trung tâm nghiên cứu Stimson, đã chỉ ra những điều phi lý trong báo cáo của Trung Quốc như sau:

Thứ nhất: Vấn đề thiếu nước không chỉ ở mùa khô mà ngay cả mùa mưa

Từ các ảnh chụp vệ tinh cho thấy, trong cao điểm mùa mưa của năm 2019 (từ tháng 7 đến tháng 11) các con đập Nọa Trác Độ và Tiểu Loan đã giữ lại 20 tỷ m3 nước. Ở ảnh chụp vệ tinh vào tháng 7 năm 2020, có rất nhiều điểm tương đồng so với thời điểm tương ứng năm 2019. Chính vì vậy có thể kết luận rằng, các con đập của Trung Quốc đang tích một khối lượng nước tương tự như năm 2019 và có thể kéo dài đến hết năm. Hậu quả để lại là tình trạng hạn hán ở dòng sông Mekong ngày càng trầm trọng hơn.

Ông Eyler cho biết chế độ nước theo mùa có vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của sông Mekong. Quá trình chuyển đổi tự nhiên từ mùa khô sang mùa mưa và mùa lũ lụt tạo ra 15-20% lượng cá nước ngọt và bảo vệ an ninh kinh tế của tất cả các nước ở hạ nguồn.

Nhà nghiên cứu Sebastian Biba của Đại học Goethe, Đức cho rằng các con đập của Trung Quốc làm ảnh hưởng đến môi trường, kết hợp với biến đổi khí hậu tiêu cực đã làm trầm trọng hơn vấn đề hạn hán  và “phía Trung Quốc đã không làm gì nhiều để giảm bớt những lo ngại về các con đập của mình”.

Tổ chức phi chính phủ Mạng lưới của người Thái xem việc giữ nước trong mùa mưa rồi xả nước trong mùa khô mà các đập thủy điện Trung Quốc đang làm là đi ngược lại tự nhiên vì lũ là điều tự nhiên xuất hiện trong mùa mưa.

Sông Mekong ở biên giới Thái Lan và Lào

Thứ nhì: Các con đập của Trung Quốc đã giết chết các sinh vật sống trong nước

Từ ngàn xưa, mùa lũ là mùa sinh sôi của các loài thủy sản nước ngọt. Ước tính một năm, người dân khu vực này đánh bắt được 2 triệu tấn cá và 0,5 triệu tấn thủy sản khác. Nhưng các con đập thủy điện đã ngăn chặn quá trình phát triển tự nhiên của các loài. Việc các đập thủy điện giữ nước trong mùa mưa làm cho dòng chảy ở hạ nguồn ít hơn sẽ làm rối loạn nhịp sống tự nhiên của thủy sản, nước không chảy vào các vùng đất ngập và cuối cùng tác động đến cuộc sống của con người và môi trường.

Việc xây dựng các con đập còn làm gián đoạn chu kỳ lũ tự nhiên mà các loài cá đã thích nghi hàng ngàn năm; làm cứng lòng sông do tầng đá nền ở dưới đập lộ ra và mất giá trị làm nơi sinh sống cho loài cá. Đập cũng giữ lượng trầm tích ở lại, làm mất một nguồn dinh dưỡng cho cá, làm thay đổi nhiệt độ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và sinh sống của loài cá.

Thứ ba: Các con đập còn giữ phù sa và cát sỏi

Ngoài giữ nước, các con đập còn giữ phù sa, cát và sỏi. Nghiên cứu của MRC chỉ ra rằng lượng phù sa trên sông đã giảm gần 77% so với điều kiện gần như tự nhiên của những năm 1990. Hậu quả là đáy sông bị mất cân bằng, đồng bằng bị sụt lún, làm giảm sâu hơn nguồn cung nước ngọt.

Hạn hán ở Đồng bằng Sông Cửu Long

Các nhà nghiên cứu kêu gọi Trung Quốc công khai, minh bạch các số liệu về nước với các quốc gia liên quan. Hiện tại Trung Quốc chia sẻ dữ liệu về dòng chảy mùa lũ nhưng không cung cấp dữ liệu về dòng chảy trong mùa khô hoặc số liệu về phù sa. Thiếu số liệu, rất khó để đánh giá tác động của các con đập với hạ nguồn dù thiệt hại thì đã xảy ra rồi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *